Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống HIV, thực hiện mục tiêu 90-90-90 của tp. Hà Nội

0

Kính thưa ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tp. Hà Nội,

Kính thưa ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế,

Kính thưa các vị lãnh đạo Cục PC AIDS thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng tp. Hà Nội,

Thưa các vị khách quí, cùng toàn thể các quý vị đại biểu,

Tháng 9 năm 2015, tất các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua Chương trình nghị sự đến năm 2030 về Phát triển Bền vững với 17 mục tiêu. “ Chấm dứt dịch AIDS” là một chủ đề được thể hiện xuyên suốt ở một số mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), và gồm các chỉ tiêu cụ thể nằm ở SDG số 3 về Bảo đảm sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc cho mọi người. Theo đó, UNAIDS đã xây dựng chiến lược  Dồn tổng lực nhằm gia tăng tốc độ công cuộc phòng chống HIV tiến tới Chấm dứt dịch AIDS và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Tháng 6 năm 2016, tại Cuộc họp cấp cao của LHQ về PC AIDS, cộng đồng quốc tế đã tái khẳng định cam kết chấm dứt dịch AIDS vào 2030. Tại cuộc họp này, các quốc gia thành viên LHQ đã thông qua bản Tuyên bố Chính trị, văn kiện này giao trọng trách cho tất cả các quốc gia về dồn tổng lực PC HIV. Ngài Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới tham dự Cuộc họp cấp cao này. Đứng bên cạnh một người phụ nữ nhiễm HIV, phát biểu tại Đại hội Đồng LHQ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định thế giới không thể tự mãn với những thành quả đã đạt được, mà cần phải gia tăng nhiều nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến với HIV, và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Sau đó, Việt Nam đã chính thức đưa các mục tiêu Dồn tổng lực cho PC AIDS của quốc gia vào Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020. Chấm dứt dịch AIDS vào 2030 cũng được thể hiện trong Nghị quyết số 20 mới đây của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Một phần quan trọng trong các chỉ tiêu, mục tiêu của chiến lược Dồn tổng lực chấm dứt dịch AIDS là việc hoàn thành mục tiêu về điều trị mang tên 90-90-90 vào năm 2020. Hoàn thành được 90-90-90 là khi chúng ta đạt được 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình  trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV (ARV); và 90% số người được điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền.

Khi cả ba chỉ tiêu về điều trị này được hoàn thành, thì  ¾ số người nhiễm HIV trên toàn thế giới sẽ có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế. Các dự báo của UNAIDS cho thấy việc hoàn thành các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 sẽ cho phép thế giới chấm dứt được đại dịch AIDS vào 2030, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và kinh tế cho toàn thế giới.

Điều trị HIV liên tục, suốt đời là điều kiện để điều trị HIV đạt hiệu quả cao. Điều trị giúp người nhiễm HIV có cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hữu ích. Điều trị cũng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV, giảm các ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Do vậy, chúng ta cần phải tiếp cận và động viên, khuyến khích người dân, đặc biệt những người có các hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đi xét nghiệm HIV và tham gia điều trị càng sớm càng tốt.

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương cam kết thực hiện các mục tiêu 90-90-90. Chúng tôi tin là Việt Nam sẽ hoàn tất được các mục tiêu này, bằng chứng là Việt Nam đã và đang áp dụng những sáng kiến đổi mới trong PC HIV, và tiếp tục mở rộng các can thiệp đã cho thấy có hiệu quả.

Trong một thập kỉ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong phòng chống HIV. Giai đoạn 2000-2006, ước tính Việt Nam đã ngăn chặn được gần ½ triệu ca nhiễm HIV, và cứu được sinh  mạng của gần 150.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS. Hiện tại 50% người nhiễm HIV đang được điều trị, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là còn 50% số người nhiễm HIV vẫn chưa được điều trị.

Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần thực hiện chiến lược Dồn tổng lực. Cho dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm các ca nhiễm mới và các ca tử vong, nhưng mỗi năm, vẫn còn tới 11.000  ca nhiễm HIV mới và 8.000 ca tử vong do AIDS tại Việt Nam. Rõ ràng dịch AIDS vẫn chưa kết thúc.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia trên thế giới nơi phát hiện hơn 80% số ca nhiễm HIV mới. Tại các quốc gia ưu tiên thực hiện chiến lược Dồn tổng lực này, các nhóm đối tượng đích sinh sống ở các thành phố lớn có tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn ở các khu vực khác.

Các thành phố lớn và các vùng đô thị có những lợi thế so sánh và có những cơ hội trọng yếu để tiến hành các hoạt động PC HIV có hiệu quả.  Là thủ đô,  trung tâm kinh tế, chính  trị, xã hội của đất nước , Hà Nội có thể dẫn đầu các nỗ lực về Dồn tổng lực chấm dứt dịch AIDS của quốc gia và trở thành điểm sáng cho các thành phố khác trong khu vực. Những thành phố lớn như Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi, như hệ thống chăm sóc y tế  & cơ sở vật chất tốt hơn để cung cấp dịch vụ được cho số đông người dân. Thành phố cũng là nơi có các trung tâm học thuật, sáng tạo và đổi mới và người dân thường có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn.

Tuy vậy, các thành phố năng động cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng, như người nhập cư, nạn thất nghiệp, bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Những khó  khăn, thách thức này sẽ làm trầm trọng hơn nguy cơ và tính dễ bị tổn thương với các bệnh tật như HIV và Lao. Nơi đô thị, phố phường cũng thường tạo ra các cơ hội làm nảy sinh các hành vi đẩy các cá nhân đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh và thường là nơi phát hiện các mạng lưới mại dâm lớn hơn ở những nơi khác. Chính những yếu tố này đã và đang góp phần đẩy nguy cơ lây truyền HIV tại các thành phố, khu đô thị lên mức cao hơn.

Chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn thách thức này bằng cách tập trung các nguồn đầu tư của chúng ta để tạo ra những tác động to lớn nhất. Cụ thể là:

Tiến hành các can thiệp dựa trên bằng chứng có hiệu quả, tại những nơi dịch đang hoành hành, cho những nhóm người dân đang cần những dịch vụ này. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao nhiễm HIV có thể dễ dàng tiếp cận được những dịch vụ dự phòng và điều trị, mà không bị kì thị & phân biệt đối xử.

Tiếp tục công việc giám sát dịch và phân tích chiến lược các khoảng thiếu hụt  để xây dựng những chương trình can thiệp có hiệu quả hơn.

Tiếp tục áp dụng các sáng kiến đổi mới nhằm mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận của những người nhiễm HIV và các nhóm đối tượng đích tới các dịch vụ HIV.

Củng cố các mối quan hệ đối tác vững mạnh và toàn diện để đạt được những hiệu quả to lớn hơn, như phối kết hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Khi chúng ta cùng nhau thực hiện những công việc này và thực hiện triệt để trên quy mô lớn, chúng ta có thể bẻ gãy đường cong đi lên của dịch AIDS. Thưa, đó chính là nội dung của Dồn tổng lực để chấm dứt dịch AIDS: lựa chọn con đường đi đúng cho quốc gia.

Chúng tôi tin tưởng rằng với những cam kết vững chắc và chỉ đạo mạnh mẽ, với những kinh nghiệm và thành tựu đã giành được từ cuộc chiến với HIV, với sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác phát triển, Hà Nội  nhất định sẽ thành công trong nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90, Dồn tổng lực tiến tới chấm dứt dịch AIDS.

Chung sức cùng nhau, Chúng ta sẽ cứu được nhiều hơn nữa sinh mạng của người dân; Chúng ta hoàn toàn có thể chấm dứt dịch AIDS, để dịch bệnh này không còn là mối nguy hại cho sức khỏe của nhân dân; và Chúng ta sẽ hoàn thành được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thúc giục chúng ta, hãy sát cánh bên nhau để hoàn thành chỉ tiêu 90-90-90 với 100, 100, 100% nhiệt huyết và quyết tâm của tất cả chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn.