Bài phát biểu của Việt Nam tại Cuộc họp cấp cao 2016 của LHQ về Kết thúc dịch AIDS

0

Thưa Bà Chủ tịch,

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự điều hành của Bà, Hội nghị sẽ thành công trong thúc đẩy cam kết chung nhằm kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Vào thời kỳ đầu bùng nổ dịch, AIDS đã gây ra hoảng loạn và cả sự phân hóa sâu sắc trong xã hội ở nhiều quốc gia. Khi đó, người nhiễm HIV thường bị gắn với các tệ nạn xã hội, bị xa lánh và phải hứng chịu sự phán xét về đạo đức.

Năm 1994, tôi có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về AIDS, tổ chức tại thành phố Paris. Bầu không khí quyết tâm ngập tràn trong Hội nghị đó vẫn còn trong tôi đến ngày hôm nay, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ quên được nỗi lo sợ và hoang mang trong ánh mắt của nhiều đai biểu tham dự Hội nghị. Khi đó rất nhiều người đang hàng ngày bị AIDS cướp đi mạng sống. Điều trị HIV còn chưa được hiệu quả. Và chỉ có rất ít hy vọng.

Giờ đây, tình hình đã khả quan hơn rất nhiều. Công tác dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được điều trị để tiếp tục sống khỏe. Kỳ thị và phân biệt đối xử đã giảm dần. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng trong năm vừa qua vẫn có gần 2 triệu người mới nhiễm HIV. Rất nhiều người trong số họ là phụ nữ! Vẫn còn hơn 20 triệu người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV. Giờ phút này, trong khi tôi đang phát biểu trước quí vị, thế giới lại có thêm khoảng 20 người mới nhiễm HIV.

Chính phủ Việt Nam luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Dịch HIV ở Việt Nam nhìn chung đã được kiểm soát. Nhiễm HIV không còn bị coi là một tội lỗi. Người nhiễm HIV được coi là những người bệnh cần được chăm sóc và điều trị. Việt Nam chỉ có thể đạt được những thành tựu này với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ.

Mặc dù dịch HIV đã bước đầu ổn định nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương hưởng ứng và cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn tiếp tục rất cần mối quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Chúng ta đều biết rằng thế giới đang đứng trước nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, di cư ồ ạt và các cuộc xung đột. Nhưng HIV và AIDS cũng vẫn còn đó. Nếu không tiếp tục củng cố quan hệ đối tác hợp tác mạnh mẽ hơn, nhiều quốc gia sẽ bị rớt lại phía sau trong nỗ lực chung của toàn thế giới nhằm dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ hướng tới kết thúc dịch AIDS, và khả năng dịch bùng phát lại, trở thành một mối nguy lớn cho toàn thế giới là có thật.

Lúc này, chúng ta không thể chủ quan. Để kết thúc được dịch AIDS, chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực nhiều hơn nữa. Và chúng ta phải cùng nhau nỗ lực.

Đây không chỉ là tiếng nói của Chính phủ Việt Nam, mà cũng là tiếng nói của những người dân Việt Nam dễ bị tổn thương nhất. Thưa Bà Chủ tịch, tôi xin được giới thiệu với Bà cô Thanh. Tôi đã mời Thanh, một phụ nữ nhiễm HIV tham gia đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị này. Cô ấy sống trong một bản nhỏ ở một vùng núi xa xôi. Cùng với chồng mình, Thanh đang được điều trị ARV. Hai vợ chồng cô ấy đang có sức khỏe tốt và lại có thể lao động được. Thanh đã trở thành một giáo dục viên đồng đẳng và nhận được sự quí mến của người dân trong vùng. Thật kỳ diệu, vợ chồng Thanh đã sinh được một bé gái kháu khỉnh và khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Điều kỳ diệu này đã có được nhờ sự giúp đỡ của một dự án do quốc tế tài trợ, và phối hợp triển khai cùng với chính quyền sở tại và cộng đồng người dân địa phương.

Nếu không có sự trợ giúp này, Thanh có lẽ đã không thể ở đây ngày hôm nay cùng với chúng ta. Và không chỉ Thanh. Rất nhiều người khác, nhiều phụ nữ và trẻ em, đã bị nhiễm HIV, đã không thể đến trường, không thể lao động, không thể có gia đình và thậm chí không thể giữ được cuộc sống.

Vậy chúng ta có nên cắt giảm sự hỗ trợ đó không? Không! Chúng ta không thể làm điều đó. Chúng ta không có quyền làm điều đó.

Thưa Bà Chủ tịch, tôi xin được mời Thanh có đôi lời phát biểu.

[Thanh: Xin cảm ơn. Xin cảm ơn rất nhiều vì đã mang lại cho tôi cuộc sống, hy vọng và cả tương lai. Xin đừng quên chúng tôi. Xin cảm ơn!]

Quí vị vừa nghe Thanh nói xin cảm ơn rất nhiều vì đã cho cô ấy lại cuộc sống, hy vọng và cả tương lai. Hãy cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Thanh và của những người dễ bị tổn thương nhất, và cùng hành động, củng cố thêm cam kết phòng, chống HIV/AIDS với tất cả trái tim và nhiệt huyết của mình để tiến tới kết thúc dịch AIDS.

Hãy cùng cam kết 100-100-100 và cao hơn nữa để cùng nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu 90-90-90!

Xin cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quí vị.