Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong đáp ứng với HIV

0

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Văn phòng UNAIDS khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhân chuyến thăm Việt Nam

ngày 20-21/3/2018.  Xem video phỏng vấn tại :http://media.chinhphu.vn/video/viet-nam-the-hien-vai-tro-lanh-dao-manh-me-trong-dap-ung-voi-hiv-aids-9624

 

Việt Nam đã luôn đi đầu và thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong đáp ứng với HIV, cả trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Năm 2014, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90. Năm 2016, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã tham dự phiên họp cấp cao của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, phát biểu trước Đại Hội Đồng cùng một người phụ nữ nhiễm HIV, đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết phải duy trì và củng cố cam kết chặn đứng dịch AIDS, đồng hành cùng cộng đồng người nhiễm HIV. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất cụ thể và ấn tượng, như đã điều trị kháng HIV được cho một nửa tổng số người nhiễm HIV; mở rộng nhanh chóng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, hiện đang điều trị cho hơn 50.000 người nghiện heroin. Đây là những thành tựu rất lớn của Việt Nam, là điểm sáng trong khu vực.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống AIDS, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thử thách. Mỗi năm Việt Nam vẫn còn đến 11.000 người mới nhiễm HIV. Hình thái dịch vẫn đang có những diễn biến mới và phức tạp, một ví dụ là chúng ta đã thấy số nhiễm mới trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới gia tăng. Việt Nam cũng đang ở trong giai đoạn chuyển đổi về tài chính và hệ thống phòng chống HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là rào cản lớn cho người nhiễm HIV trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV.

Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế là có được sự cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao. Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành TW Đảng CSVN về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định cam kết nỗ lực kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 và gia tăng đầu tư trong nước cho phòng chống AIDS. Đây là một quyết sách hết sức đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và vì vậy nguồn lực quốc tễ hỗ trợ phòng chống AIDS đang giảm nhanh, đòi hỏi phải gia tăng đầu tư trong nước cho chương trình phòng chống HIV.

Một thách thức khác là chúng ta phải luôn theo sát và hiểu rõ dịch HIV đang tiến triển như thế nào, nhanh chóng áp dụng và mở rộng những sáng kiến mới có hiệu quả để cải thiện ứng phó với dịch. Việt Nam đang thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đây là một công cụ dự phòng mới và rất hiệu quả. Nhanh chóng mở rộng cung cấp PrEP cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, song song với việc  tiếp tục mở rộng các can thiệp dự phòng đã cho thấy hiệu quả như chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình methadone và bao cao su là vô cùng quan trọng để giảm số nhiễm HIV mới.

Một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc duy trì bền vững nguồn tài chính cho chương trình điều trị HIV mà các quốc gia khác có thể học tập, là sử dụng nguồn bảo hiểm y tế. Thách thức ở đây là làm thế nào để nhanh chóng mở rộng được độ bao phủ và việc sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Như vậy thách thức lớn trên mọi mặt trong đáp ứng với HIV chính là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện Dồn tổng lực (Fast-Track) cho phòng chống AIDS, như trong câu hỏi chị đã nhắc tới. Ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đã đi tiên phong là thành phố Fast-Track đầu tiên, và đang làm rất tốt. Tôi mong rằng Hà Nội cũng sẽ trở thành một thành phố Fast-Track và trở thành một điểm sáng nữa trong Dồn tổng lực cho phòng chống AIDS ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Đồng thời chúng ta cũng không thể lơ là việc tiếp tục hỗ trợ các tỉnh còn nhiều khó khăn và các tỉnh miền núi, những nơi đó vẫn cần đến sự giúp đỡ của cả Chính phủ trung ương và các đối tác phát triển quốc tế.

 

Sáng nay tôi may mắn được gặp với lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Việt Nam, cơ quan này đóng một vai trò quan trọng bênh cạnh Bộ Y tế và Chính phủ trong việc điều chỉnh Luật phòng chống HIV sẽ diễn ra trong thời gian tới, 10 năm sau khi Luật này ra đời. Như vậy, việc giữ vững cam kết chính trị trong phòng chống AIDS cần có ở mọi cấp, mọi ngành chứ không chỉ ở Bộ Y tế. Các tỉnh thành cũng cần thể hiện giữ vững cam kết thông qua việc triển khai thực hiện rốt ráo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm tài chính cho phòng chống AIDS và về hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế. Các tỉnh thành phố có vai trò quan trọng trong việc mở rộng độ bao phủ dịch vụ HIV, ví dụ chương trình methadone hay chương trình xét nghiệm HIV tại cộng đồng rất cần được chú trọng mở rộng, cả chương trình điều trị cũng vậy, vì vẫn còn một nửa tổng số người nhiễm HIV chưa được điều trị. Đó chính là hai mục tiêu 90 đầu tiên: 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị. Mục tiêu 90 thứ ba là 90% số người tham gia điều trị HIV duy trì được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế để bảo đảm sức khỏe cho người nhiễm HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Việt Nam đang làm tốt mục tiêu này nhưng cần mở rộng hơn nữa xét nghiệm tải lượng vi-rút thường quy.

 

Như đã nói ở trên, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, vì vậy các nhà tài trợ đang rút dần hỗ trợ của họ. Việt Nam cũng đang gia tăng nguồn lực trong nước đầu tư cho công tác phòng chống HIV. UNAIDS sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm bảo đảm tính liên tục, bền vững cũng như chất lượng của các dịch vụ phòng chống HIV, cả về dự phòng và điều trị. UNAIDS sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối, kết nối các cán bộ hoạch định chính sách, quản lý chương trình, cộng đồng và đối tác phát triển, và điều phối hợp tác đối tác trong các vấn đề chính sách liên quan đến phòng chống HIV. UNAIDS cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực thông tin chiến lược về HIV để có hiểu biết chính xác, kịp thời về diễn biến dịch cũng như tiến độ của chương trình phòng chống AIDS.

 

Một vấn đề nổi cộm trong khu vực hiện nay là sự lơ là chủ quan, cho rằng AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng nữa. Thế nhưng chúng ta đã thấy số nhiễm mới HIV đang gia tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực, như ở Philippines, Malaixia, Pakistan, Papua New Guinea. Chúng ta đang thấy xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong khu vực, như ở Ấn Độ, một số bang trước kia không có dịch nặng nhưng giờ đang phải đối phó với số nhiễm mới gia tăng nhanh. Đây là thách thức lớn nhất. Chúng ta phải nhận thức được rằng còn rất nhiều việc phải làm để khống chế được dịch HIV, bây giờ chưa phải là lúc có thể nghỉ ngơi.

Một vấn đề nữa, là số nhiễm mới phần lớn xảy ra trong thanh niên, cả trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới và khác giới, và những người trẻ tuổi này chủ yếu giao tiếp trên mạng internet. Họ không còn đến các quán bar để kết bạn và trao đổi nữa, tất cả diễn ra trên mạng internet. Vì vậy đáp ứng của chương trình phòng chống AIDS cũng phải thích ứng với những thay đổi này trong đời sống xã hội để có can thiệp hiệu quả.

Tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong việc áp dụng các sáng kiến mới và hiệu quả và chia sẻ bài học của các bạn ra khu vực, bởi Việt Nam đã luôn rất nhanh nhạy trong việc áp dụng các sáng kiến mới và giải pháp mang tính thực tiễn cao trong công tác phòng chống AIDS.