Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống AIDS để tăng tốc tiến tới mục tiêu Ba Không

0

HÀ NỘI, 1/12/2013 – Vào ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần thứ 25 hôm nay, Liên Hợp Quốc chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành tựu đã đạt được trong ứng phó với HIV, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống HIV để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này.

“Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phải vươt qua. Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung các nguồn lực quí báu của quốc gia vào ba ưu tiên: đúng người, đúng chỗ, và mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả nhất,” Ts. Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS Việt Nam và Chủ tọa Nhóm phối hợp chương trình về HIV của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.

“Đúng người nghĩa là nhắm đúng vào các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, gồm người tiêm chích ma túy và bạn tình của họ; người mua và người bán dâm; và những người nam quan hệ tình dục đồng giới. Chúng ta cần với được tới những nhóm người này tại những khu vực có dịch HIV cao trong cả nước, và cung cấp cho họ những dịch vụ có ích nhất trong việc giảm lây nhiễm HIV, như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, dịch vụ xét nghiệm và điều trị kháng HIV,” Ts. Schoultz cho biết thêm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở rộng đáng kể chương trình điều trị kháng HIV và giảm được nhiều ca nhiễm mới. Dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục giữ ở mức báo động.

Tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%, nhưng ở một vài thành phố lớn có đến hơn một nửa số nam giới tiêm chích ma túy là người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trên toàn quốc trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%.

Các bằng chứng hiện có cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang tăng lên, và nhóm này sẽ ngày càng lớn hơn trong tổng số người sống với HIV tại Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tìm kiếm các cách tiếp cận mới để đưa các dịch vụ về HIV đến gần hơn với những người có nhu cầu lớn nhất, thông qua việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có người sống với HIV. Đã có những sáng kiến mới tập trung vào việc chẩn đoán và khởi đầu điều trị kháng HIV sớm hơn. Liên Hợp Quốc khuyến khích tiếp tục mở rộng các sáng kiến này, để tối ưu hóa hiệu quả và tác động của các nguồn lực trong nước đầu tư cho phòng, chống AIDS khi các nguồn viện trợ nước ngoài đang giảm dần.

“Ứng phó quốc gia với HIV đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Việt Nam cần mở rộng các cách tiếp cận mới và sáng tạo để tiếp tục duy trì được đà phát triển của các hoạt động phòng chống AIDS và tiến xa hơn nữa,” Ts. Bs. Takeshi Kasai, Đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu. “Chúng ta giờ đã biết rằng điều trị có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Với việc thúc đẩy hơn nữa tiếp cận sớm đến chẩn đoán và điều trị kháng HIV, Việt Nam sẽ giảm được thêm nhiều hơn nữa các ca nhiễm mới và trường hợp tử vong do AIDS.”

Tổ chức y tế thế giới kêu gọi tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao tới các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Việc này có thể thực hiện được thông qua củng cố sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các nhóm cộng đồng; khuyến khích triển khai các chiến lược tư vấn và xét nghiệm HIV một cách chủ động và đơn giản hóa; và tối ưu hóa những lợi ích về cả điều trị và dự phòng của điều trị kháng HIV (ART).

Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, và sinh kế bền vững cho người sống với HIV là những rào cản lớn trong việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV. Một nghiên cứu mới công bố trước thềm ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy việc làm là một yếu tố thiết yếu để duy trì và tuân thủ tốt điều trị kháng HIV.

Bản báo cáo này, mang tên Tác động của việc làm đối với tuân thủ điều trị kháng HIV, cho thấy những người nhiễm HIV có việc làm tuân thủ điều trị tốt hơn gần 40% so với những người không có việc làm. Tuân thủ điều trị kháng HIV tốt hơn có liên quan đến việc có nguồn tài chính thường xuyên để chi trả cho các dịch vụ y tế liên quan, mua thuốc, dịch vụ hỗ trợ, và mua đủ thực phẩm cho các bữa ăn.

“Việc làm và môi trường nơi làm việc rất quan trọng đối với việc tuân thủ tốt điều trị kháng HIV,” Ts. Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu. “Trong môi trường làm việc thì điều quan trọng là cần phải xóa bỏ kỳ thị đối với những người lao động nhiễm HIV. Một số người nhiễm HIV không dám công khai tình trạng nhiễm của mình vì sợ bị kỳ thị và vì thế họ không tham gia điều trị ART.Còn một số người khác thì uống thuốc không đều do lo sợ bị đồng nghiệp nhìn thấy họ uống thuốc tại nơi làm việc.”

Một nghiên cứu tiến hành năm 2011 của Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam cho thấy, cứ 10 người nhiễm HIV thì có 1 người bị mất việc do họ là người nhiễm HIV.

UNAIDS đã khởi động một chiến dịch toàn cầu trên các trang mạng xã hội mang tên “Không phân biệt đối xử” (#zerodiscrimination).

“Vào ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm nay — khi cùng nhau tưởng nhớ những người thân và những người bạn đã qua đời vì AIDS — chúng ta cũng đồng thời ngập tràn một niềm hy vọng chưa từng có vào tương lai… Chẳng mấy người tin rằng chúng ta có thể đạt được bước tiến lớn như đang thấy ngày hôm nay. Bước tiến này có thể thấy rất rõ trong những đột phá trong nghiên cứu khoa học về HIV, trong việc phát huy vai trò lãnh đạo cũng như trong việc xây dựng chương trình hành động phòng, chống HIV một cách chính xác, đúng chỗ,” Giám đốc điều hành UNAIDS ông Michel Sidibe phát biểu. “Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng sự kỳ thị, chối bỏ, và tự mãn vẫn còn trong chúng ta, khiến chúng ta có nguy cơ không thực hiện được lời hứa loại bỏ HIV cho thế hệ sau. Chúng ta phải hòa chung nhịp trái tim và tiếng nói – sát cánh bên nhau chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.”

 Liên hệ báo chí

Phòng Truyền thông Liên Hợp Quốc | Nguyễn Thị Bích Huệ | bichhuen@unaids.org“>bichhuen@unaids.org