Đánh giá giữa kỳ việc mở rộng sáng kiến Điều trị 2.0

0

Kính thưa TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS,

 

Kính thưa lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa,

 

Thưa các đồng nghiệp và các bạn,

 

Để mở đầu bài phát biểu của mình, tôi muốn được nói rằng tôi rất hào hứng khi được đến Thanh Hóa, tận mắt chứng kiến việc mở rộng sáng kiến Điều trị 2.0 và các dịch vụ thân thiện mà Điều trị 2.0 mang đến cho những người sống với HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở tỉnh Thanh Hóa.

 

Chúng ta vừa nghe TS Dương nói đến những điểm vượt trội của sáng kiến Điều trị 2.0. Cho phép tôi được chia sẻ tại sao tôi lại thấy sáng kiến này rất quan trọng. Bởi vì, sáng kiến này là vì con người. Điều trị 2.0 đưa xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV đến gần hơn và trở nên dễ tiếp cận hơn với những người cần dịch vụ, giúp người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt hơn để họ có thể sống khỏe mạnh, và trao quyền để những người sống với HIV hoặc có nguy cơ lây nhiễm HIV có thể đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong ứng phó với dịch.

 

Tôi chỉ vừa mới đến Thanh Hóa thôi, nhưng đã được nghe nhiều về một bạn gái tên là Hải, một phụ nữ sống với HIV ở huyện Quan Hóa, người đã vận động và hỗ trợ hơn 20 người có nguy cơ lây nhiễm HIV ở xã mình đi xét nghiệm HIV tại trạm y tế xã chỉ trong một vài tháng đầu thực hiện chương trình. Nhờ vào sự tâm huyết, kiên nhẫn và thời gian của bạn Hải, đã có 4 người được phát hiện nhiễm HIV và đã được điều trị để sống khỏe mạnh. Tôi chưa có dịp được gặp và nói chuyện với bạn – người phụ nữ quả cảm, nhưng hy vọng trong chuyến công tác này tôi sẽ có dịp được gặp và nói chuyện với bạn, để được biết nhiều hơn về công việc của bạn nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với HIV và về những việc bạn đang làm cho những người cần được giúp đỡ sống quanh bạn.

 

Thưa các đồng nghiệp và các bạn,

 

Với việc mở rộng sáng kiến Điều trị 2.0, ngày càng có nhiều người Việt Nam được hưởng lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị HIV sớm. Thay mặt cho Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV tại Việt Nam, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn tới Cục phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là TS. Dương đã chỉ đạo và cam kết thực hiện sáng kiến này tại Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là Trung tâm phòng, chống AIDS tỉnh Thanh Hóa đã hết sức ủng hộ và nhiệt tình thực hiện sáng kiến này. WHO và UNAIDS rất tự hào về những kết quả tuy mới chỉ là ban đầu nhưng rất đáng khích lệ của việc triển khai sáng kiến Điều trị 2.0 tại Thanh Hóa.

 

Sau 6 tháng triển khai sáng kiến, cách tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ HIV đã dần được hoàn thiện và vận hành tốt. Mỗi xã đã thành lập được một nhóm bao gồm cán bộ y tế xã, y tế thôn bản và những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao làm việc cùng nhau. Các cán bộ y tế xã đã học được cách làm việc cùng với những người thuộc các nhóm nguy cơ cao, những người thuộc các nhóm này cũng học được cách tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi khách hàng tới các dịch vụ HIV. Kết quả của sự hợp tác  này là số người đi xét nghiệm tự nguyện đã tăng. Trong tháng 11/2014, sáng kiến mới về xét nghiệm HIV lưu động tại thôn bản đã làm tăng hơn nữa số người được xét nghiệm. Những người thuộc các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đã có đáp ứng rất tích cực đối với những cách làm mới này. Cụ thể, số người thuộc các nhóm nguy cơ cao đi xét nghiệm đã tăng gấp đôi sau một tháng và tăng gần 3 lần sau hai tháng triển khai có sự tham gia của cộng đồng. Kể từ khi bắt đầu thực hiện sáng kiến Điều trị 2.0 vào tháng 7/2014 đến cuối tháng 12/2014, đã có 27 người nhiễm HIV mới được phát hiện ở Thanh Hóa và những người này đã được đưa vào điều trị.

 

Thưa đồng nghiệp và các bạn,

 

Đây là những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ ở Thanh Hóa, nhưng những kết quả này cũng làm chúng ta phải suy nghĩ: làm sao để làm tốt hơn nữa và quan trọng hơn là làm sao để duy trì những gì chúng ta đã khởi xướng với sáng kiến này?

 

Thứ nhất, nếu tự hỏi chúng ta đã mọi việc có thể để dịch vụ HIV trở nên dễ dàng tiếp cận và thân thiện với người dùng hay chưa, thì câu trả lời theo tôi có lẽ là: Chưa, chúng ta vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta vẫn cần tiếp tục suy nghĩ táo bạo hơn và tổ chức cung cấp dịch vụ theo những cách thức có hiệu quả hơn nữa. Xét nghiệm HIV lưu động cần tiếp tục được đưa xuống gần hơn với người dân tại các thôn bản. Thời gian chờ đợi giữa xét nghiệm và đưa vào điều trị cần được rút ngắn hơn nữa để tránh mất dấu bằng việc sử dụng ba xét nghiệm nhanh tại tuyến xã. Methadone cần được cấp phát tại tuyến xã như với thuốc ARV trong sáng kiến Điều trị 2.0. Cố gắng phân cấp hơn nữa để đưa dịch vụ xuống gần dân hơn sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho những người chịu ảnh hưởng bởi HIV đang sống ở Thanh Hóa và đồng thời sẽ cho chúng ta những bài học quan trọng để tiếp tục tiến lên phía trước.

 

Thứ hai, Bộ Y tế đang thực hiện kiện toàn các cơ sở điều trị HIV, để lồng ghép các dịch vụ HIV vào hệ thống y tế chung, và trong tương lai sẽ không còn các phòng khám HIV riêng rẽ, sẽ không còn các bác sỹ chỉ chăm sóc cho bệnh nhân có HIV. Việc kiện toàn này là một bước chuyển quan trọng để duy trì bền vững đáp ứng quốc gia với HIV, nhưng cũng đặt ra câu hỏi là làm sao để đảm bảo các cán bộ y tế có thể đảm đương thêm các trách nhiệm mới này một cách lâu dài. Tôi tin rằng, việc tìm câu trả lời không chỉ dành riêng cho những người quản lý ở cấp trung ương, với những vấn đề mang tính hệ thống và nhân sự y tế. Các vị lãnh đạo địa phương cũng cần tìm lời giải đáp cho những vấn đề và thách thức riêng mà y tế ở từng địa phương đang gặp phải.

 

Thứ ba là, chúng ta cần tìm cách để khuyến khích được nhiều người nhiễm HIV hơn tham gia tích cực vào công tác phòng chống AIDS, như bạn Hải. Những người nhiễm HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV cần phải là những nhân tố tích cực tạo sự thay đổi trong cộng đồng của chính mình. Chúng ta đều biết ngân sách dành cho HIV đang suy giảm và sẽ ngày càng có ít dự án về HIV. Xây dựng một đội ngũ tiếp cận cộng đồng và giáo dục đồng đẳng thông qua việc nâng cao năng lực và trao quyền cho người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV sẽ là một điều kiện quan trọng để duy trì bền vững đáp ứng với HIV. Những người nhiễm HIV và có nguy cơ cao tham gia công tac tiếp cận cộng đồng và giáo dục đồng đẳng cần được lãnh đạo địa phương và toàn thể cộng đồng ghi nhận và tri ân những đóng góp của họ.

 

Tôi tin tưởng rằng, Thanh Hoá đang đi đúng hướng trong việc thực hiện sáng kiến Điều trị 2.0, và cùng với sự hỗ trợ liên tục của Cục phòng, chống HIV/AIDS và lãnh đạo địa phương, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu được những kết quả ấn tượng hơn nữa. Mong các bạn hãy tiếp tục cố gắng tiến xa hơn nữa với sáng kiến này. Những bài học hôm nay chúng ta cùng thảo luận sẽ có ích cho các tỉnh thành khác trong việc xây dựng cộng đồng mạnh mẽ để ứng phó với dịch HIV. Việt Nam cần không chỉ Thanh Hóa mà còn cả các tỉnh khác đều quyết tâm, cam kết và hành động mạnh mẽ để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Các tổ chức Liên Hợp Quốc tại VN cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn trong nỗ lực quan trọng này.

 

Cuối cùng, cho phép tôi được kết thúc ở điểm tôi đã nhắc tới lúc đầu: sáng kiến này rất quan trọng bởi tất cả là vì con người. Sáng kiến Điều trị 2.0 là vì người dân của Thanh Hoas cũng như tất cả mọi người dân  trên đất nước Việt Nam. Trách nhiệm chung của tất cả chúng ta là đảm bảo sao cho người dân Việt Nam được chăm sóc và hỗ trợ y tế tốt nhất để ai cũng được sống vui khỏe và hạnh phúc.

 

Tôi xin dừng lời ở đây và một lần nữa xin cảm ơn vì đã mời tôi tham dự Hội nghị hôm nay. Chúc mừng tất cả các đồng nghiệp và các bạn về những việc có ích và rất hiệu quả mà các bạn đã làm. Chúc Hội nghị thành công.

 

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe.