Tuyên bố Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 2016 về Kết thúc dịch AIDS khẳng định toàn thế giới sẽ Dồn tổng lực để đạt được mục tiêu này vào năm 2030

0

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết thực hiện 3 mục tiêu chung và 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS, bao gồm tăng gấp đôi số người nhiễm HIV được điều trị ARV và đưa các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đến với mọi người dân có nhu cầu.

NEW YORK/GENEVA, ngày 8/6/2016—UNAIDS hoan nghênh các mục tiêu và cam kết trong Tuyên bố Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 2016 về Kết thúc dịch AIDS. Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã đạt được đồng thuận về một chương trình nghị sự khẩn cấp và mang tính lịch sử, nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Với việc thông qua Tuyên bố Chính trị này, Dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống AIDS trong 5 năm tới đã trở thành trách nhiệm của toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí rằng chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS và không một quốc gia nào có thể giảm bớt nỗ lực phòng, chống AIDS vào lúc này. Giờ đây, khi các quốc gia bắt đầu thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì Phát triển bền vững, toàn thế giới đều nhất trí rằng chỉ có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030 nếu thực hiện được các mục tiêu đến năm 2020 về Dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS.

Các mục tiêu và cam kết được đưa ra trong Tuyên bố Chính trị về Kết thúc dịch AIDS: Dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ Phòng, chống HIV và Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 sẽ dẫn dắt toàn thế giới trong các nỗ lực nhằm củng cố mối liên kết giữa việc giải quyết các vấn đề về y tế, phát triển, bất công, bất bình đẳng, nghèo đói và xung đột.

Một tầm nhìn chung

Tuyên bố Chính trị 2016 kêu gọi toàn thế giới nỗ lực để đạt được các mục tiêu như sau, trong nỗ lực chung thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì Phát triển bền vững:

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định rằng những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia chủ động và mạnh mẽ của người nhiễm HIV, các nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự.

Tăng gấp đôi số người được điều trị ARV

Tính đến cuối năm 2015, số người nhiễm HIV được điều trị ARV đã đạt 17 triệu, vượt mức chỉ tiêu đặt ra là 15 triệu. Cũng trong năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đảm bảo rằng 90% tổng số người nhiễm HIV (bao gồm cả trẻ em, người vị thành niên và người lớn) sẽ biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% số người đã biết tình trạng nhiễm sẽ được điều trị ARV và 90% số người tham gia điều trị ARV sẽ đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Các quốc gia cũng cam kết khẩn trương giải quyết tình trạng bao phủ điều trị ARV còn thấp trong trẻ em nhiễm HIV.

Đẩy mạnh tiếp cận cộng đồng và dự phòng lây nhiễm HIV

Các mục tiêu về dự phòng khuyến khích các quốc gia thúc đẩy tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng toàn diện và phù hợp với nhóm đối tượng đích gồm phụ nữ và trẻ gái vị thành niên, người di cư, và các nhóm có nguy cơ cao gồm người bán dâm, người nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và tù nhân. Triển khai các nỗ lực đặc biệt để đẩy mạnh công tác tiếp cận cộng đồng ở những địa bàn trọng điểm có tỷ lệ lây nhiễm cao cho các nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trên toàn thế giới.

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch dựa trên đặc thù của từng địa bàn và nhóm dân cư, bởi dịch HIV ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có đặc điểm riêng; đồng thời khuyến khích hành động và đề cao tinh thần trách nhiệm ở cấp khu vực thông qua việc đặt ra các mục tiêu cho khu vực cả về dự phòng và điều trị cho trẻ em, thanh niên và người lớn, trong đó:

Tuy vậy Tuyên bố Chính trị 2016 không nhắc cụ thể đến các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Chấm dứt nhiễm HIV mới ở trẻ em

Cam kết triệt tiêu nhiễm HIV mới trong trẻ em và bảo đảm sức khỏe cũng như cuộc sống tốt cho mẹ các em được tái khẳng định trong Tuyên bố Chính trị 2016, đồng thời nhấn mạnh cần bảo đảm rằng các bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị ARV ngay lập tức và điều trị suốt đời.

Chú trọng phụ nữ, trẻ gái vị thành niên, thanh niên và bình đẳng giới

Mỗi ngày trên thế giới lại có thêm 2 nghìn ca nhiễm HIV mới trong thanh niên, chiếm một phần ba tổng số các ca nhiễm mới, nhưng chỉ có 28% số nữ thanh niên có kiến thức đúng về HIV. Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên đóng một vai trò cốt lõi hơn trong công tác phòng, chống AIDS, thông qua thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và dự phòng lây nhiễm HIV. Tuyên bố Chính trị 2016 cũng khẳng định tầm quan trọng của tiếp cận phổ cập tới chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, cùng các quyền về sức khỏe sinh sản.

Các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết gánh nặng về HIV đối với phụ nữ, đặc biệt là nữ thanh niên và trẻ gái vị thành niên ở khu vực tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi.

Tuyên bố Chính trị 2016 cam kết thực hiện bình đẳng giới, đầu tư nâng cao năng lực cho phụ nữ, và chấm dứt mọi hình thức bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của phụ nữ và trẻ em gái tránh khỏi bị lây nhiễm HIV. Sự tham gia của nam giới và các trẻ em trai trong những vấn đề này là không thể thiếu được.

Tuy nhiên, Tuyên bố Chính trị 2016 chưa bao gồm các mục tiêu cụ thể về giáo dục tính dục toàn diện, mặc dù phần lớn dịch HIV ở các khu vực trên thế giới đều có đường lây chủ đạo qua quan hệ tình dục. Ở khu vực tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi, hơn 98% các ca nhiễm HIV mới là lây truyền qua đường tình dục. Tuyên bố Chính trị 2016 cũng không đề cập đến các quyền về tình dục, bao gồm quyền tiếp nhận thông tin, quyền tự quyết, quyền đồng thuận và quyền không bị phân biệt đối xử, là những quyền rất quan trọng cần được đảm bảo để đáp ứng hiệu quả với dịch AIDS.

Mọi người dân, ở mọi nơi trên thế giới đều có quyền được chăm sóc sức khỏe

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định rằng tiến bộ trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người của những người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn còn rất chậm chạp; việc vi phạm các quyền con người vẫn còn là một rào cản lớn trong ứng phó với HIV. Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nhất trí sẽ xem xét và cải tổ luật pháp để gỡ bỏ các rào cản và tránh gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời thúc đẩy tiếp cận tới các dịch vụ y tế không phân biệt đối xử, bao gồm dịch vụ cho những nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là người bán dâm, người nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và tù nhân.

AIDS không còn biệt lập

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định rằng công tác phòng, chống AIDS sẽ thúc đẩy tiến độ thực hiện toàn bộ Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì Phát triển bền vững. Tuyên bố kêu gọi thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân và tiếp cận phổ cập đến các dịch vụ bảo trợ xã hội. Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua các mục tiêu rộng hơn nhưng có liên quan tới HIV và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng cách tiếp cận lồng ghép và tổng hợp nhằm giải quyết một loạt các vấn đề về y tế, bao gồm bệnh lao, viêm gan B và C, ung thư cổ tử cung, u nhú ở người, các bệnh không truyền nhiễm, các bệnh mới xuất hiện và bệnh tái bùng phát.

Đầu tư để kết thúc dịch AIDS

Để bảo đảm rằng các mục tiêu nêu trên có thể thực hiện được, các nhà lãnh đạo đã đưa ra những cam kết táo bạo và cụ thể về cung cấp tài chính và phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống AIDS để có thể Dồn tổng lực đẩy nhanh tiến độ phòng, chống AIDS. Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi hiện thực hóa mục tiêu đóng góp được 13 tỷ đô-la Mỹ cho vòng gây quỹ thứ 5 của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét. Các quốc gia khuyến khích sự tham gia mang tính chiến lược của khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống AIDS nhằm hỗ trợ về đầu tư và cung cấp dịch vụ, củng cố hệ thống mua sắm, các sáng kiến ở nơi làm việc, tiếp thị xã hội các vật phẩm y tế và thay đổi hành vi.

Trách nhiệm giải trình và tính bền vững

Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã đưa ra một số cam kết nhằm tăng cường công tác giám sát và trách nhiệm giải trình, đồng thời thúc giục sự tham gia của những người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV trong lĩnh vực này. Các quốc gia kêu gọi Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, với sự hỗ trợ của UNAIDS, tiếp tục đánh giá hàng năm tiến độ phòng, chống AIDS trên tất cả các mặt bao gồm xã hội, kinh tế và chính trị. Tuyên bố Chính trị 2016 cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bảo đảm rằng Liên Hợp Quốc và UNAIDS được tổ chức hiệu quả để thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì Phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, khuyến khích tất cả các bên liên quan đến phòng, chống AIDS gia tăng áp lực để giải quyết những trở ngại lớn nhất trong phòng, chống AIDS và bảo đảm rằng Tuyên bố Chính trị 2016 sẽ thực sự phát huy vai trò là động lực thúc đẩy thực hiện công bằng xã hội và phẩm giá cho mọi người dân.

[HẾT]

Thông tin thêm xin liên hệ:
UNAIDS Geneva | Michael Hollingdale | tel. +41 79 500 2119 | hollingdalem@unaids.org

UNAIDS Viet Nam | Nguyễn Thị Bích Huệ | tel. +844 984 259 523 | bichhuen@unaids.org