THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC CHO NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS 1 THÁNG 12 2019

0

Để đạt được mục tiêu Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 — một trong những Mục tiêu Phát Triển Bền vững mà chúng ta đã cam kết thực hiện, toàn thế giới cần tiếp tục cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa. Tổ chức Liên Hợp Quốc, các Chính phủ, xã hội dân sự và các đối tác khác, chúng ta đã cùng nhau thúc đẩy việc mở rộng tiếp cận đến các dịch vụ y tế và nỗ lực để ngăn chặn HIV không tiếp tục lây lan. Kết quả, đến cuối năm 2018 đã có hơn 23 triệu người sống với HIV trên toàn thế giới được điều trị kháng virut.

 

Ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng chính là trái tim của đáp ứng với dịch AIDS. Cộng đồng giúp nhau bảo vệ các quyền chính đáng của mình, thúc đẩy tiếp cận đến các dịch vụ y tế và xã hội không kỳ thị, bảo đảm rằng các dịch vụ vươn được tới những người ở rìa xa nhất của xã hội và dễ bị tổn thương nhất, và lên tiếng để thay đổi các chính sách, pháp luật mang tính phân biệt đối xử. Cộng đồng kiến tạo sự tiến bộ — chính là tiêu điểm của chiến dịch Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay.

 

Nhưng, vẫn còn những người dân cần mà chưa được hỗ trợ về y tế và xã hội. Toàn thế giới có đến 38 triệu người đang sống với HIV, nhưng nguồn lực đầu tư cho phòng chống AIDS trong năm 2019 đã suy giảm 1 tỷ đôla. Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải phát huy nhiều hơn nữa vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng để họ tham gia cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV, huy động nguồn lực trong chính cộng đồng của mình, bảo vệ quyền và cung cấp những hỗ trợ khác nữa cho cộng đồng của mình.

 

Ở đâu có sự tham gia tích cực của cộng đồng, chúng ta đều thấy có những thay đổi tích cực. Chúng ta đã thấy đầu tư cho cộng đồng mang lại kết quả. Ở đâu có sự tham gia tích cực của cộng đồng, ở đó chúng ta thấy có bình đẳng, tôn trọng và phẩm giá.

 

Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, chúng ta có thể kết thúc được dịch AIDS.