Kính thưa Gs. Ts. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
Kính thưa Ts. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS
Thưa các đồng nghiệp và các bạn,
Xin chào toàn thể quí vị.
Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây ngày hôm nay cùng các bạn, những đối tác từ các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng đang hoạt động trong đáp ứng với HIV ở Việt Nam, để khởi động dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong đáp ứng với HIV”. Đây quả là một thời điểm rất phù hợp để thảo luận về việc triển khai dự án mới này, bởi vì chúng ta vừa bước vào một giai đoạn mới trong đáp ứng toàn cầu với HIV, với khí thế và động lực mới để tất cả cùng nỗ lực hướng tới thực hiện mục tiêu Kết thúc dịch AIDS.
Việt Nam cùng toàn thể thế giới đã cam kết kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Cách tiếp cận mới do UNAIDS khởi xướng mang tên Fast Track, nhằm tìm những con đường ngắn nhất, dồn lực để về đích trong thời gian nhanh nhất, đã nhận được sự hưởng ứng của các đối tác toàn cầu trong phòng, chống AIDS cũng như của các quốc gia có gánh nặng lớn nhất về dịch nơi xảy ra 89% số những ca nhiễm mới hàng năm trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong số các quốc gia này – những quốc gia trọng điểm trong việc triển khai cách tiếp cận Fast Track.
Vậy Fast Track cụ thể là gì, và vì sao chúng ta lại cần đến cách tiếp cận mới này?
Chúng ta đã chứng kiến những thành quả to lớn trong phòng chống AIDS trong những năm qua, cả ở Việt Nam và những khu vực khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những thành tựu này và mục tiêu kết thúc dịch AIDS vẫn còn rất lớn. Nếu cứ tiếp tục phòng, chống AIDS với cách làm hiện tại, tốc độ hiện tại thì không thể kết thúc dịch AIDS – một dịch bệnh liên tục tiến triển. Lựa chọn tiếp tục phòng, chống HIV theo phương thức hiện có đồng nghĩa với việc số người nhiễm mới HIV sẽ gia tăng, khiến số người sống với HIV ngày càng tăng cao, dẫn đến nhu cầu điều trị HIV ngày càng lớn và tốn kém chi phí cho điều trị trong tương lai.
Lựa chọn cách tiếp cận Fast Track đồng nghĩa với việc đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV có tác động lớn; thực hiện những cách làm đổi mới, sáng tạo để nhanh chóng mở rộng độ bao phủ dịch vụ HIV và đưa dịch vụ đến gần hơn với những người cần đến các dịch vụ này; và, dồn lực vào can thiệp ở những khu vực trọng điểm dịch và những nhóm quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Cách tiếp cận mới này cũng hướng tới gấp rút loại bỏ các rào cản pháp lý và xã hội nhằm thúc đẩy việc bảo vệ các quyền của con người và bình đẳng giới. Cách tiếp cận này nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 về xét nghiệm và điều trị HIV, thúc giục chúng ta phải tăng tốc và tạo được đà cho việc tiến tới đạt được các mục tiêu này.
Tôi cũng xin nhân dịp này nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công việc trong dự án mới này trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV cho những người tiêm chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới. Họ là những người đặc biệt dễ bị tổn thương bởi HIV, và chúng ta cần phải đảm bảo rằng họ có thể dễ dàng tiếp cận bơm kim tiêm và bao cao su chất lượng cao, cũng như điều trị methadone để bảo vệ mình không bị lây nhiễm HIV.
Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị methadone, nhưng mục tiêu đến năm 2015 điều trị methadone cho 80.000 người tiêm chích ma túy vẫn chưa thực hiện được. Vẫn còn rất nhiều người tiêm chích ma túy trong cộng đồng đang cần đến bơm kim tiêm sạch để dự phòng lây nhiễm HIV, bởi họ chưa tiếp cận được chương trình điều trị methadone. Trong một chuyến công tác hồi đầu năm nay lên Điện Biên, tôi có xem một hộp đựng bơm kim tiêm đặt trong cộng đồng và tôi thấy cái hộp đó rỗng không. Chúng ta không thể để tình trạng đó xảy ra được. Dự án mới của VUSTA có thể nỗ lực để góp phần đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận các vật phẩm dự phòng lây nhiễm HIV mà họ cần.
Tôi cũng tin rằng dự án mới này rất phù hợp và có thế mạnh trong việc huy động các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV và toàn xã hội cùng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đây là một việc hết sức quan trọng! Chúng ta đều biết rằng kỳ thị và phân biệt đối xử đang cản trở bước tiến của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác trong việc đáp ứng với dịch AIDS. Chúng ta đã biết nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV không thể tiếp cận tới các dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ xã hội và hỗ trợ pháp lý do bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Có những người thậm chí e ngại không dám cả thử tiếp cận các dịch vụ này vì họ sợ sẽ bị phân biệt đối xử. Tôi rất mong đợi rằng dự án mới này sẽ nỗ lực thúc đẩy việc xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến HIV, như là một phần quan trọng trong công việc của các bạn.
Thưa các quí vị,
Thực tiễn trên toàn thế giới đã cho thấy rõ rằng để có được một đáp ứng thực sự hiệu quả với HIV đòi hỏi phải có sự tham gia sâu sắc của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng. Những việc mà các tổ chức này đã làm được trong thời gian qua ở Việt Nam để giúp đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ về HIV và xây dựng năng lực là vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, các nguồn tài chính cho phòng, chống AIDS đang thay đổi, và đi kèm là nhu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong công việc để có thể đạt được các mục tiêu mới và to lớn trong phòng chống AIDS. Bởi vậy, các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng nói chung cũng như các tổ chức tham gia thực hiện Dự án này nói riêng sẽ cần phải nỗ lực để hoạt động với hiệu suất lớn hơn nhằm tiếp tục duy trì dịch vụ tiếp cận và giáo dục đồng đẳng với chất lượng cao, để vươn tới được nhiều người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV hơn, và để đóng góp cho đáp ứng với HIV ở Việt Nam với hiệu quả tối đa.
Nhân đây, tôi xin bày tỏ sự vui mừng được biết Dự án này sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng dự thảo Luật về Hội, hỗ trợ việc đăng ký và thành lập tổ chức của những nhóm người có nguy cơ cao, xây dựng qui trình và bộ công cụ để sử dụng cho việc giám sát dựa vào cộng đồng đối với những dịch vụ y tế cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Tôi xin chúc Dự án sẽ thành công trong các nỗ lực này, đồng thời xin cũng khuyến khích Dự án áp dụng cách tiếp cận Fast Track để tiến nhanh hơn. Tôi cũng mong các bạn sẽ tự vượt lên chính mình để đẩy nhanh tiến độ công việc, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu quốc gia đúng theo thời hạn đã đặt ra.
Cuối cùng, vì cuộc họp hôm nay diễn ra khi chỉ còn ít ngày nữa là tới Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1 tháng 12, tôi xin hướng sự chú ý của tất cả chúng ta tới sự kiện quan trọng này. Trong Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, như thường lệ, chúng ta sẽ tưởng nhớ tới hàng trăm nghìn người đã ra đi trong cuộc đấu tranh giành sự sống với AIDS. Nhưng vào Ngày phòng chống AIDS năm nay, chúng ta cũng sẽ cùng thể hiện cam kết chung cũng như của mỗi cá nhân trong việc dồn lực tìm những con đường ngắn nhất, đẩy nhanh tiến độ đáp ứng với HIV để hướng tới thực hiện mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Tất cả chúng ra hãy cùng hành động thiết thực để hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Chúng ta hãy làm mới và củng cố cam kết của mình để cùng nhau đảm bảo rằng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực hướng tới kết thúc dịch AIDS.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe!
http://unaids.org.vn/khoi-dong-du-an-tang-cuong-su-tham-gia-cua-cac-to-chuc-xa-hoi-va-to-chuc-cong-dong-trong-dap-ung-voi-hivaids/