QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Các tổ chức xã hội và cộng đồng

Các tổ chức xã hội và cộng đồng đã tham gia các hoạt động phòng, chống HIV từ những ngày đầu khi dịch HIV mới xuất hiện ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, các tổ chức xã hội và cộng đồng đã lớn mạnh rất nhiều. Mạng lưới quốc gia của người sống với HIV (VNP+) ra đời năm 2008 và đến năm 2015 đã phát triển số lượng thành viên lên hơn 130 nhóm tự lực trong cả nước. Mạng lưới quốc gia của người bán dâm (VNSW) và Mạng lưới quốc gia của người sử dụng ma túy (VNPUD) ra đời năm 2012, lần lượt với 10 và 20 nhóm thành viên; đến cuối năm 2013, VNPUD đã có 56 nhóm thành viên và VNSW đã có 12 nhóm thành viên. Khi Mạng lưới quốc gia của những người nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới (VNMSM/TG) ra đời vào tháng 7 năm 2013, đã có 91 nhóm trong cả nước đăng ký làm thành viên.

Đáp ứng của các tổ chức xã hội và cộng đồng với dịch HIV đã lớn mạnh không chỉ về số lượng mà cả về năng lực, để trở thành một đối tác bình đẳng và hiệu quả hơn trong đáp ứng của quốc gia với HIV. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) – tổ chức chính thống đỡ đầu các tổ chức xã hội và cộng đồng ở Việt Nam – vào năm 2012 đã trở thành một thành viên của Ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. VUSTA đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBQG và đại diện các tổ chức xã hội và cộng đồng để thảo luận những vấn đề quan trọng của đáp ứng quốc gia, như tính bền vững của các tổ chức các tổ chức xã hội và cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV và vai trò tích cực hơn của các tổ chức này trong việc cung cấp các dịch vụ về HIV.

Các đối tác quốc tế

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập ở mức trung bình nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Vì vậy, các nhà tài trợ đã bắt đầu giảm bớt hỗ trợ phát triển trực tiếp cho Việt Nam và ngày càng tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ kỹ thuật cho các dịch vụ về HIV do quốc gia chủ động cung cấp và quản lý.

Các đối tác phát triển quốc tế điều phối hỗ trợ của họ cho đáp ứng với dịch HIV ở Việt Nam thông qua “Nhóm đối tác phát triển” – một diễn đàn không chính thức do UNAIDS tập hợp và điều phối.