Hội nghị quốc gia đầu tiên do cộng đồng LGBTIQ tổ chức kêu gọi cộng đồng ‘Cùng vươn xa’

0

Đại diện cộng đồng lần lượt dán các miếng sticker nhiều màu sắc lên hình bản đồ Việt Nam, ở những địa phương nơi có sự hiện diện của tổ chức cộng đồng LGBTIQ. Tấm bản đồ Việt Nam dần được tô màu bằng các sắc cầu vồng với những miếng sticker, hiện lên một bức tranh cộng đồng LGBTIQ đa dạng, đến từ khắp các miền của đất nước, trong Hội nghị ‘Cùng vươn xa’.

 

Hơn 70 đại diện của các tổ chức cộng đồng (CBOs) LGBTIQ đã họp mặt trong một hội nghị quốc gia kéo dài 3 ngày do Hải Đăng – một CBO của thanh niên LGBTIQ và hiện là một doanh nghiệp xã hội – chủ trì tổ chức, với sự hỗ trợ của UNAIDS và các đối tác phát triển khác. Hội nghị tập trung thảo luận các hướng đi để thúc đẩy hơn nữa việc hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền bình đẳng của người LGBTIQ, và sự phát triển bền vững của các CBOs LGBTIQ. Một Tuyên bố chung của hội nghị được cộng đồng cùng nhau thảo luận và nhất trí thông qua, gồm các nội dung về (1) công bằng và bình đẳng, (2) sức khỏe và (3) vai trò và sự bền vững của các CBOs LGBTIQ. Đoàn kết bên nhau, các đại diện cộng đồng hòa chung tiếng nói về một tương lai vững mạnh hơn cho cộng đồng nếu đi cùng nhau trong nỗ lực vươn xa.

“Nếu cả cộng đồng phát triển lớn mạnh thì tổ chức của chúng tôi cũng thuận lợi hơn trong việc phát triển, và ngược lại.” Anh Lữ Trọng Tín, cán bộ quản lý dự án của G-Link chia sẻ. G-Link là một doanh nghiệp xã hội do cộng đồng sáng lập và quản trị, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) cho những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

 

Anh Tín cũng chia sẻ về những nỗ lực gần đây của G-Link nhằm mở thêm các phòng khám tại Hà Nội để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng MSM. “Cả nhân viên và khách hàng của G-Link đều đã phải đối diện với sự kỳ thị, chối bỏ của những người cho thuê địa điểm và cả người dân sống quanh đó. Là những người trong cuộc đối với cộng đồng LGBTIQ đồng thời cũng là những người trực tiếp cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV, chúng tôi luôn cố gắng để xóa bỏ việc dán nhãn cho cộng đồng và đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện đến với những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và khó tiếp cận. Các nhóm cộng đồng có thể giúp chuyển gửi khác hàng và G-Link có thể cung cấp các dịch vụ thân thiện. Tất cả chúng ta đều là những mắt xích được kết nối với nhau, tương hỗ nhau trong cộng đồng LGBTIQ.”

“Hội nghị này giúp tôi có thêm nhiều thông tin cập nhật về HIV cũng như các vấn đề sức khỏe khác của cộng đồng LGBTIQ. Ước gì tôi có nhiều sức lực hơn để lan tỏa rộng hơn những thông tin và kiến thức về HIV mà tôi đã thu nhận được để giúp con em chúng ta được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.” Cô Nguyễn Mộng, một người mẹ có con thuộc cộng đồng nam đồng tính và là thành viên của PFLAG Việt Nam chia sẻ. PFLAG là một tổ chức của gia đình, người thân và bạn bè của cộng đồng LGBTIQ Việt Nam.

 

Cô Mộng tích cực tham gia vào các hoạt động của cộng đồng chính vì cô nhận thấy sự cần thiết của việc phải cập nhật thông tin cho các phụ huynh khác và thành viên của PFLAG về các nguồn lực trong cộng đồng, các kiến thức về chăm sóc sức khỏe cũng như các xu hướng xã hội liên quan đến cộng đồng LGBTIQ. Cô cho biết việc trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng quan trọng để tránh việc hiểu sai, dẫn đến các rạn nứt và đau khổ trong những gia đình có con thuộc cộng đồng LGBTIQ. “Là một người mẹ rất yêu con, tôi đã khóc nhiều, đã trải qua những nỗi đau đó, nên giờ tôi muốn đồng hành cùng những bậc phụ huynh LGBTIQ khác trong hành trình gian truân này.”

“Những nhu cầu của người chuyển giới nam và người chuyển giới có quan hệ tình cảm với người nam đồng tính thường không được quan tâm, họ thường được gộp trong nhóm gọi chung là MSM. Tôi tin rằng chúng ta phải lên tiếng cho chính mình. Chia sẻ rộng rãi với cộng đồng cũng giúp chúng ta được biết đến nhiều hơn.” Anh Chu Thanh Hà, người sáng lập tổ chức It’s T-Time, một tổ chức cộng đồng hoạt động về vận động chính sách cho người chuyển giới.

 

Anh Hà nhấn mạnh rằng nỗ lực vận động chính sách hướng tới việc người chuyển giới được pháp luật Việt Nam công nhận là một nỗ lực dài hơi nhưng cũng là một phương cách để tiến tới thực hiện bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe. “Để các tổ chức cộng đồng LGBTIQ có thể phát triển bền vững thật sự có rất nhiều khó khăn, nhưng tôi đã thấy những tia hy vọng từ hội nghị này. Tôi đã nhận ra rằng các tổ chức cộng đồng LGBTIQ không nhất thiết phải hoạt động chỉ như tổ chức từ thiện mà cũng có thể hoạt động như các công ty tư nhân hay doanh nghiệp xã hội, để có thể duy trì các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng.”

Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về nhiều nội dung quan trọng, như các dấu mốc chính trên chặng đường phát triển 15 năm qua của phong trào LGBTIQ tại Việt Nam, những mô hình phát triển bền vững cho cộng đồng, các thách thức mà cộng đồng đang phải đối diện và những cơ hội hợp tác, phát triển trong thời gian tới.

Toàn thể đại diện cộng đồng tham dự hội nghị nhất trí rằng vận động và hành động để bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho mọi người LGBTIQ và kết thúc dịch AIDS trong cộng đồng này ở Việt Nam là một công việc to lớn, khó khăn. Một mong muốn chung cũng nổi lên rất rõ tại hội nghị: đó là cộng đồng LGBTIQ Việt Nam cần hợp lực để cùng nhau phát triển lớn mạnh.

Tuyên bố chung của hội nghị thể hiện rất rõ những nhu cầu và cam kết của cộng đồng, trong đó có nhu cầu nổi bật về các dịch vụ phòng, chống HIV và chăm sóc sức khỏe tình dục. Tuyên bố cũng bao gồm các khuyến nghị, như khuyến nghị mở rộng độ bao phủ của các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm, và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), cũng như đưa các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV dựa trên bằng chứng đến được với những nhóm khó tiếp cận. Xin đọc bản Tuyên bố đầy đủ tại đây.

Ngay sau hội nghị, các hoạt động tiếp nối đã liên tục triển khai. Bản thảo Tuyên bố từ hội nghị đã được lấy ý kiến rộng rãi hơn với cộng đồng để có thể được nhìn nhận là một “Tuyên bố của cộng đồng LGBTIQ Việt Nam”. Một số tổ chức cộng đồng như Hải Đăng, iSEE, ICS, It’s T-time đã cam kết hướng các hoạt động trong năm 2020 của tổ chức mình theo những lĩnh vực ưu tiên chung được xác định tại hội nghị. Bản Tuyên bố này của cộng đồng LGBTIQ cũng có thể được coi là một khung kế hoạch hành động chung cho các tổ chức cộng đồng LGBTIQ Việt Nam trong thời gian tới và là một tài liệu quan trọng để vận động cho quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTIQ ở Việt Nam.