Mở lòng để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử

0

 

Bạn hay gia đình bạn đã bao giờ bị phân biệt đối xử chưa? Tôi rất xúc động khi nghe câu chuyện của mẹ con chị Phạm Thị Oanh và Phúc, câu con trai 10 tuổi, cả hai mẹ con đều nhiễm HIV.

Lo sợ Phúc  sẽ bị xóm làng kỳ thị, chị Oanh đưa  con sang  học mẫu giáo ở tận xã bên. Nhưng rồi một ngày,  tình cờ, cô giáo biết Phúc nhiễm HIV. Ngay lập tức, sau khi hỏi lãnh đạo xã,  cô giáo cho Phúc nghỉ học. Hãy hình dung mẹ con chị Oanh và cháu Phúc đã đau khổ đến thế nào!

Nhưng, câu chuyện này không phải là hy hữu ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tận đáy lòng, tôi lo ngại cho sự bình an và hạnh phúc của những người nhiễm HIV, cũng như những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Rất nhiều người trong số họ đang phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Thực tế, cho dù đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV.

Chúng ta đã có rất nhiều bằng chứng mới được thu thập về việc nhiều người nhiễm HIV còn đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, cũng như trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Các bằng chứng cũng cho thấy việc phát hiện nhiễm HIV có thể dẫn đến bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, và không được nhận vào trường học. Người nhiễm HIV còn bị bạo hành, bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế hay dịch vụ trợ giúp xã hội, và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. Những người nhiễm HIV e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng. Ví dụ, một người chồng có thể lây HIV sang vợ, rồi người vợ lại có thể truyền HIV sang đứa bé còn nằm trong bào thai. Do vậy, từ chỗ lẽ ra chỉ có một người nhiễm HIV, nhưng do không biết tình trạng nhiễm của bản thân, nên đã để HIV lây lan, hậu quả có tới ba người nhiễm HIV. Điều này xảy ra khi người dân sợ hãi không dám xét nghiệm HIV vì quá hoảng sợ, không biết sẽ bị đối xử thế nào khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Thậm chí, với những người đã biết mình bị nhiễm HIV, do e ngại tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế, trường học và trong cộng đồng, họ sẽ không dám tiết lộ tình trạng nhiễm của bản thân với vợ/chồng hay gia đình và bạn bè thân thiết. Đồng thời, họ cũng sẽ dễ trì hoãn hay thậm chí từ chối được đưa vào chăm sóc và điều trị HIV.

Tôi được biết nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV chấp nhận phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những người cán bộ y tế họ không hề quen biết, cốt sao tránh khỏi lộ thông tin với bà con chòm xóm về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Họ sợ thông tin cá nhân không được cơ sở y tế ở địa phương mình bảo mật. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ phí mất những ích lợi về điều trị sớm nhằm giảm lây lan HIV.

Tiếp tục bàn về kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, chúng ta quay lại câu chuyện của mẹ con chị Oanh và cháu Phúc. Hai mẹ con họ hiện giờ ra sao? Sau khi Phúc bị đuổi khỏi trường mẫu giáo, chị Oanh đã liên tiếp tìm gặp các cán bộ giáo dục ở cả  xã và huyện để giải thích. Chị tìm mọi cách, kể cả cậy nhờ đến trợ giúp pháp lý, để con mình được  vào  trường tiểu học. Tôi rất vui mừng được chia sẻ với quí vị độc giả rằng, với những nỗ lực quả cảm và bền bỉ của chị Oanh, năm học này cháu Phúc đã được vào lớp 1. Mặc dù Phúc đang phải học chung với các bạn nhỏ tuổi hơn mình khá nhiều, chị Oanh cho biết cháu rất vui khi được đến trường và được học nhiều điều mới mẻ. Tuy vậy, chị Oanh cũng cho biết trong tỉnh của chị, còn có tới gần 50 trẻ nhiễm HIV chưa được đến trường, chỉ vì kỳ thị và phân biệt đối xử. Những trẻ em nhiễm HIV, phải chịu thiệt thòi vì kỳ thị và phân biệt đối xử, không chỉ duy nhất xảy ra ở nơi mẹ con chị Oanh đang sinh sống, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác nữa trên cả nước.

Chiến thắng của chị Oanh, người mẹ nhiễm HIV quả cảm đã đấu tranh để con mình được đến trường, đã mang đến cho tôi niềm hy vọng và sự khích lệ. Tuy nhiên, trên phạm vi rộng hơn thì việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và AIDS vẫn còn rất gian nan, cả ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nhưng đây là một thách thức mà không ai trong chúng ta được lảng tránh.

Kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS, như thường lệ, chúng ta tưởng nhớ tới hàng trăm nghìn người đã ra đi trong cuộc chiến giành sự sống với AIDS. Riêng vào Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, chúng ta hãy khẳng định lại cam kết xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Tất cả chúng ta hãy chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi  nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Hãy biến Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay thành điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi mọi người đều mở lòng để chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất; nơi mà kỳ thị và phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ. Đồng lòng, chúng ta sẽ xóa bỏ được kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng lòng, chúng ta sẽ kết thúc được dịch AIDS!

Kristan Schoultz

Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam

Chủ tọa Nhóm phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV tại Việt Nam